Tin tức chuyên ngành

Ngành dệt may có thể đạt kim ngạch 10,5 tỷ USD

Thứ bảy, 10/09/2011, 11:38 GMT+7

Nhận định về tình hình sản xuất, tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam từ đầu năm 2011 đến nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết trong tháng Tám, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 1,38 tỷ USD, dẫn đầu nhóm ngành hàng xuất khẩu của cả nước.

 
Tính chung tám tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 8,98 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ.

Mỹ vẫn là thị trường truyền thống và là thị trường lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam với 51% thị phần xuất khẩu. Tiếp đến là thị trường EU với 17% thị phần. Các mặt hàng áo gilê, jacket, áo thun… vẫn là những mặt hàng chính của ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Với thị trường Nhật Bản, mặc dù đầu năm quốc gia này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai nhưng đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành dệt may Việt Nam và chiếm 12% thị phần.

Dựa vào tình hình kinh doanh thuận lợi như hiện nay, ông Vũ Đức Giang nhận định ngành dệt may có nhiều khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trên 15% trong năm nay với kim ngạch xuất khẩu 10,5 tỷ USD. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này cũng như để nâng cao vị thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp dệt may cần phải đổi mới phương thức kinh doanh, cũng như những giải pháp tích cực mới có thể đạt được kết quả trên.

Hiện nay, toàn ngành tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liêu; nâng cấp các nhà máy vải với chủ chương không đầu tư mới nhiều và chỉ tập chung vào nâng cấp chất lượng vải chuẩn để làm ra hàng xuất khẩu với chất lượng cao. Bên cạnh đó, Vitas hỗ trợ các doanh nghiệp để cùng xây dựng hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu, không đầu tư dàn trải. Ngành cũng đang triển khai tiếp chương trình sản xuất xơ polyester với mục tiêu đến năm 2015 sẽ chủ động được 70-80%.

Trong năm 2012, ngành dệt may đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sợi màu đầu tiên so với trước đây chỉ sản xuất sợi trắng và các loại sợi thông thường. Đây là chiến lược bứt phá của ngành về những sản phẩm cốt lõi có giá trị gia tăng cao. Từ đó tạo nên động lực cho ngành thực hiện thành công các mục tiêu trong giai đoạn 2012-2015./.


Người viết : Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)